CHUYỆN VỀ HOA BAN TRẮNG
Mỗi độ xuân về, Điện Biên quê em lại được thay một màu áo mới, màu trắng tinh khiết của loài Hoa Ban. Mỗi tuyến phố, mỗi bản làng, từng con đường, công sở, trường học… lúc này đều thấp thoáng trong nắng vàng, trời xanh, với sắc trắng tím, hương thơm nồng say của loài hoa biểu tượng của dân tộc Thái vùng Tây Bắc.
Trước đây, loài Hoa Ban vốn chỉ sinh sống ở trên những triền đồi, khu rừng hiểm trở, phù hợp với khí hậu khô nóng, nhưng bằng sự nỗ lực của chính quyền và người dân Điện Biên, những năm gần đây, loài hoa Ban đã hiện hữu trên khắp các nẻo đường của thành phố Điện Biên Phủ.
Hoa Ban có 5 cánh có màu sắc khác nhau, thường là màu trắng có sọc hồng nhạt, tím hoặc màu phớt tím có sọc tím đậm hơn. Đường kính hoa từ 8 – 12cm. Hàng năm, vào dịp tháng 3, đầu tháng 4 hoa Ban nở dọc các con đường dẫn vào thành phố, làng bản tạo nên bức tranh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình, thu hút hàng ngàn người dân và du khách, bạn bè muôn phương đến thưởng lãm vẻ đẹp của loài hoa Ban, ghi lại những tấm hình, những khoảnh khắc ấn tượng, thưởng thức những nét độc đáo của văn hóa truyền thống các dân tộc anh em sống trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng. Đối với đồng bào Thái, thể hiện nét văn hóa tâm linh trong đời sống gắn với truyền thuyết về nàng Ban hay “sự tích hoa ban trắng”. Đó là một người con gái Thái xinh đẹp, nết na và rất mực thủy chung trong tình yêu đôi lứa.
Chuyện kể rằng: Xưa kia xứ Mường Trời có người con gái tên Ban xinh đẹp nhát bản mường. Nàng đem lòng yêu chàng trai tên Khum dù nhà nghèo nhưng rất giỏi săn bắn, chăm làm và tốt bụng. Tuy nhiên tình yêu đẹp đã gặp trắc trở khi bố, mẹ nàng Ban hứa gả nàng cho con trai Tạo mường. Khi ngày cưới đã được ấn định mà chàng Khum đi săn bắn ở rừng sâu vẫn chưa về, vào một đêm mưa gió, nàng Ban đã buộc khăn piêu ở cầu thang rồi một mình băng núi, băng rừng đi tìm người yêu. Nàng đi mãi, đi mãi rồi kiệt sức và chết bên sườn núi lưng trời. Tại nơi nàng chết, người ta thấy có một loài hoa trắng muốt, hương thơm dịu ngọt. Dân bản tin rằng đó là nàng Ban đã hóa thân thành loài hoa ấy, cánh hoa trắng muốt thể hiện tình yêu son sắt thủy chung với chàng Khum…
Đến với mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng ta như lạc vào một giấc mơ tươi đẹp, một xứ sở thần tiên với sắc xanh rừng núi ngút ngàn được điểm tô bằng sắc hoa ban tinh khôi. Người yêu nghệ thuật say mê hoa ban trong những áng văn thơ. Đã có nhà thơ viết về Hoa Ban thế này:
“ Hoa Ban nở thành cô gái Thái
Đám mây bay ngang thau nước gội đầu.”
Và thuộc lòng những câu hát trắng rừng hoa ban trong "Phiên chợ ngày xuân", "Thơ tình của núi", "Về miền hoa ban"... Kẻ ưa xê dịch thì như bị "bỏ bùa" bởi những dốc Tà Lèng, đường Tây Trang, đỉnh Pha Ðin rực rỡ bao mùa hoa. Giờ người ta mang cây ban về trồng khá nhiều dưới miền xuôi, ở các đại lộ, các đô thị, nhưng được thưởng ngoạn loài hoa biểu tượng của Tây Bắc trên chính quê hương của nó vẫn đem lại những cảm xúc diệu kỳ không gì sánh nổi.
Hoa ban là thế, người Tây Bắc là thế. Lên Tây Bắc cho măng đắng truyền vị đắng có linh hồn của “Chàng Khum” và “ Nàng Ban” làm đê mê đầu lưỡi. Lên Tây Bắc cho hoa ban mãi trắng muốt như mây…
Ban nở rồi ta lên Tây Bắc thôi !